Ysác, tổ phụ của dân Ysơraên, là con trai quý giá mà Ápraham và Sara có được theo lời hứa của Đức Chúa Trời khi Ápraham được 100 tuổi. Việc Ápraham vâng phục lời Đức Chúa Trời và dâng con trai một là Ysác làm của lễ thiêu là câu chuyện được nhiều người biết đến. Sau đó, Ysác kết hôn với Rêbêca và sinh ra Giacốp, và từ 12 con trai này của Giacốp, 12 chi phái Ysơraên được hình thành.
Ysác được biết đến là con trai của Ápraham và là cha của Giacốp. Có một lời tiên tri quan trọng ẩn giấu trong cuộc đời của ông mà hầu hết mọi người không biết đến. Đó chính là lời tiên tri về người kế tự của Đức Chúa Trời mà sẽ được hưởng cơ nghiệp Nước Thiên Đàng.
Người kế tự của Ápraham là người kế tự của Ðức Chúa Trời
Kinh Thánh ghi chép rằng các thánh đồ sẽ được cứu rỗi vào thời đại Tân Ước là “con cái của lời hứa giống như Ysác”.
“Hỡi anh em, về phần chúng ta, chúng ta cũng như Ysác, là con của lời hứa.” Galati 4:28
Tại sao giữa rất nhiều nhân vật, các thánh đồ được ví như Ysác? Để tìm ra câu trả lời trong khi xem xét về tư cách của Ysác, là con trai và cũng là người kế tự của Ápraham, chúng ta phải dò xem lịch sử và ý nghĩa về người kế tự Ápraham trong Kinh Thánh. Trước hết, hãy dò xem ví dụ về người giàu và người nghèo Laxarơ mà Ðức Chúa Jêsus phán dạy.
“Có một người giàu mặc áo tía và áo bằng vải gai mịn, hằng ngày ăn ở rất là sung sướng. Lại có một người nghèo, tên là Laxarơ, nằm ngoài cửa người giàu đó, mình đầy những ghẻ. Người ước ao được ăn những đồ ở trên bàn người giàu rớt xuống; cũng có chó đến liếm ghẻ người. Vả, người nghèo chết, thiên sứ đem để vào lòng Ápraham; người giàu cũng chết, người ta đem chôn. Người giàu ở nơi Âm phủ đang bị đau đớn, ngước mắt lên, xa thấy Ápraham, và Laxarơ trong lòng người; bèn kêu lên rằng: Hỡi Ápraham tổ tôi, xin thương lấy tôi, sai Laxarơ nhúng đầu ngón tay vào nước đặng làm cho mát lưỡi tôi; vì tôi bị khổ trong lửa nầy quá đỗi.” Luca 16:19-24
Laxarơ được thiên sứ đem để vào lòng Ápraham. Tuy nhiên, khi chúng ta được cứu rỗi và đi vào Nước Thiên Ðàng thì được ôm trong lòng của ai? Đó là lòng của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, Đấng có thể được gọi là Cha ở trên Nước Thiên Đàng là Đức Chúa Trời; thế mà tại đây, Ápraham được gọi là cha. Nói cách khác, trong Kinh Thánh, Ápraham biểu tượng cho Ðức Chúa Trời.
Do đó, người kế tự của Ápraham biểu tượng cho người kế tự của Đức Chúa Trời mà sẽ thừa hưởng Nước Thiên Ðàng, là vương quốc của Ðức Chúa Trời (Galati 3:29). Lịch sử của gia đình Ápraham không đơn thuần là lịch sử của gia đình cá nhân, mà được coi như lời tiên tri cho biết về những điều kiện để được hưởng cơ nghiệp Nước Thiên Ðàng.
Ba ứng cử viên cho người kế nghiệp của Ápraham – Êliêse, Íchmaên, Ysác
Xem quá trình người kế nghiệp của Ápraham được quyết định, thì có ba người là ứng cử viên kế nghiệp. Thứ nhất là kẻ tôi tớ Êliêse, thứ hai là Íchmaên, thứ ba là Ysác. Ban đầu, vì Ápraham không có con trai nên ông định chọn kẻ tôi tớ Êliêse làm người kế tự.
“Ápram thưa rằng: Lạy Chúa Giêhôva, Chúa sẽ cho tôi chi? Tôi sẽ chết không con, kẻ nối nghiệp nhà tôi là Êliêse, người Đamách… Đức Giêhôva bèn phán cùng Ápram rằng: Kẻ đó chẳng phải là kẻ kế nghiệp ngươi đâu, nhưng ai ở trong gan ruột ngươi ra, sẽ là người kế nghiệp ngươi.” Sáng Thế Ký 15:2-4
Ðức Chúa Trời phán rằng Êliêse chẳng phải là người kế nghiệp của Ápraham, và ai ở trong gan ruột Ápraham ra sẽ là người kế nghiệp. Như vậy, kẻ tôi tớ Êliêse đã bị loại đầu tiên khỏi danh sách người kế nghiệp của gia đình Ápraham. Hãy xem về ứng cử viên thứ hai là Íchmaên.
“Rồi nàng Aga sanh được một con trai; Ápram đặt tên đứa trai đó là Íchmaên. Vả lại, khi Aga sanh Íchmaên cho Ápram, thì Ápram đã được tám mươi sáu tuổi.” Sáng Thế Ký 16:15-16
Aga là người hầu của Sara, vợ của Ápraham (Sáng Thế Ký 16:1). Íchmaên có cha là Ápraham, nhưng có mẹ mang thân phận người hầu. Ápraham đã định trao cơ nghiệp cho con trai mình là Íchmaên, nhưng Ðức Chúa Trời phán rằng Íchmaên không phải người kế nghiệp.
“Ápraham thưa cùng Ðức Chúa Trời rằng: Chớ chi Íchmaên vẫn được sống trước mặt Ngài! Ðức Chúa Trời bèn phán rằng: Thật vậy, Sara, vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, rồi ngươi đặt tên là Ysác. Ta sẽ lập giao ước cùng nó, để làm giao ước đời đời cho dòng dõi của nó.” Sáng Thế Ký 17:18-19
Íchmaên được sanh ra từ gan ruột của Ápraham. Song chỉ riêng điều đó thôi thì chưa đủ. Ðức Chúa Trời đã phán rằng người kế tự thừa hưởng cơ nghiệp của Ápraham nhất định phải được sanh ra qua thân thể của Sara. Và Ðức Chúa Trời đã lập Ysác, người được sanh ra bởi Sara, người tự do, làm người kế nghiệp của Ápraham. Vậy nên Íchmaên đã bị đuổi đi, và cuối cùng Ysác được thừa hưởng hết thảy cơ nghiệp của Ápraham (Sáng Thế Ký 21:8-14).
Lý do quyết định việc Ysác trở thành người kế nghiệp
Như vậy, trong số ba ứng cử viên, cuối cùng Ysác đã được hưởng cơ nghiệp. Lý do là gì vậy? Hãy xác minh thông qua bảng sau.
Cha (Người tự do) | Mẹ (Người tự do) | Kết quả | |
---|---|---|---|
Êliêse | × | × | × |
Íchmaên | ○ | × | × |
Ysác | ○ | ○ | ○ |
Đầu tiên, hãy suy nghĩ về Êliêse. Êliêse không được sinh ra bởi cha Ápraham, là người tự do, và mẹ Sara, là người tự do. Vậy nên anh ta không thể trở thành người kế nghiệp. Íchmaên có cha là Ápraham, người tự do, nhưng có mẹ là người hầu, nên không thể được hưởng cơ nghiệp. Ysác có cha là Ápraham, người tự do, cũng có mẹ là Sara, người tự do, nên được hưởng cơ nghiệp.
Ðương thời có chế độ con trưởng kế nghiệp. Nếu người kế nghiệp được quyết định đơn thuần chỉ theo huyết thống của cha, thì Íchmaên, là anh cả, đương nhiên phải trở thành người kế nghiệp. Tuy nhiên, việc quyết định Ysác làm người kế nghiệp cho biết rằng sự tồn tại của mẹ chính là điều kiện tuyệt đối để thừa hưởng cơ nghiệp.
Lời tiên tri ẩn chứa trong lịch sử của gia đình Ápraham
Lịch sử này của gia đình Ápraham không đơn thuần là lịch sử đã qua. Đây là lời tiên tri cho chúng ta biết những người như thế nào mới có thể đi vào Nước Thiên Đàng trong tương lai. Vì như đã xem ở phần mở đầu, Ápraham biểu tượng cho Ðức Chúa Trời, còn người kế nghiệp của Ápraham biểu tượng cho người kế nghiệp của Ðức Chúa Trời mà sẽ hưởng cơ nghiệp Nước Thiên Đàng. Vậy lời tiên tri ẩn chứa trong lịch sử gia đình Ápraham sẽ được ứng nghiệm khi nào và bằng cách nào? Điều đó được ứng nghiệm hai lần như là “bóng của các việc sẽ tới” (Hêbơrơ 10:1, Truyền Đạo 3:15).
Sự ứng nghiệm lần thứ nhất của lời tiên tri
Trước hết, điều đó đã được ứng nghiệm khi Đức Chúa Jêsus đến trái đất này và lập ra giao ước mới.
“Vì có chép rằng Ápraham có hai con trai: Một là con của người nữ tôi mọi, một là con của người nữ tự chủ… Cả điều đó có một nghĩa bóng: Hai người nữ đó tức là hai lời giao ước, một là lời giao ước tại núi Sinai, sanh con ra để làm tôi mọi, ấy là nàng Aga. Vả, Aga, ấy là núi Sinai, trong xứ Arabi; khác nào như thành Giêrusalem bây giờ, thành đó với con cái mình đều làm tôi mọi. Nhưng thành Giêrusalem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta.” Galati 4:22-26
Aga biểu tượng cho giao ước cũ được lập ra trên núi Sinai thông qua Môise, và Sara biểu tượng cho giao ước mới được lập ra bởi Đức Chúa Jêsus. Đương thời đó, những người Giuđa cố chấp giữ giao ước cũ không thể trở thành người kế tự của Đức Chúa Trời, còn các thánh đồ giữ giao ước mới thì được trở thành người kế tự của Đức Chúa Trời. Vì giao ước mới đã xuất hiện, nên những người cố giữ giao ước cũ giống như con của người nữ tôi mọi Aga, còn các thánh đồ tiếp nhận Đức Chúa Jêsus và tiếp nhận giao ước mới thì giống như Ysác, con của người nữ tự chủ Sara.
Sự ứng nghiệm lần thứ hai của lời tiên tri
Lời tiên tri này không kết thúc ở lần thứ nhất, mà sẽ được ứng nghiệm một lần nữa khi Đức Chúa Jêsus tái lâm vào thời đại cuối cùng. Kinh Thánh tiên tri rằng vào những ngày sau rốt, Đức Chúa Jêsus sẽ đến một lần nữa để cứu rỗi nhân loại (Hêbơrơ 9:28), nhưng Ngài sẽ không đến một mình mà sẽ xuất hiện cùng Vợ Mới.
“Thánh Linh và vợ mới cùng nói: Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không.” Khải Huyền 22:17
Thánh Linh chỉ ra Đức Chúa Jêsus Tái Lâm. Vậy Vợ Mới là ai?
“Một vị trong bảy thiên sứ đã cầm bảy bát đựng đầy bảy tai nạn cuối cùng, đến gần tôi, bảo rằng: Hãy đến, ta sẽ chỉ cho ngươi thấy người vợ mới cưới là vợ Chiên Con… và chỉ cho tôi thấy thành thánh, là Giêrusalem, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống” Khải Huyền 21:9-10
Vợ Mới, tức vợ của Chiên Con là Giêrusalem trên trời. Trong Kinh Thánh, Đấng được biểu tượng bởi Giêrusalem trên trời chính là Đức Chúa Trời Mẹ.
“Nhưng thành Giêrusalem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta.” Galati 4:26
Theo đó, Vợ Mới ban nước sự sống, tức phước lành sự sống đời đời có nghĩa là Mẹ trên trời, Đấng tự do và chính là Đức Chúa Trời Mẹ. Vậy nên vào thời đại mà Thánh Linh và Vợ Mới xuất hiện, nếu người nào chỉ tin vào Đức Chúa Trời Cha thì không thể trở thành người kế nghiệp của Chúa Trời. Giống như Ysác – con trai của Ápraham và Sara đã trở thành người kế nghiệp, những người tin vào Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ sẽ trở thành người kế nghiệp của Đức Chúa Trời (Luca 16:22-24, Galati 4:26).
“Con cái của lời hứa giống như Ysác”
Vào thời đại này, để được thừa hưởng Nước Thiên Ðàng, các thánh đồ nhất định phải trở thành con cái của Đức Chúa Trời Mẹ, Ðấng tự do. Cho nên Kinh Thánh làm chứng rằng các thánh đồ là con cái giống như Ysác.
“Hỡi anh em, về phần chúng ta, chúng ta cũng như Ysác, là con của lời hứa.” Galati 4:28
Ysác được hưởng cơ nghiệp thông qua mẹ, là Sara, người tự do. Cũng như vậy, các thánh đồ thời đại Tân Ước được hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời thông qua Đức Chúa Trời Mẹ. Nếu không phải là con cái của Đức Chúa Trời Mẹ thì tuyệt đối không thể trở thành người kế nghiệp của Ðức Chúa Trời.
“Song Kinh thánh có nói gì? Hãy đuổi người nữ tôi mọi và con trai nó; vì con trai của người nữ tôi mọi sẽ không được kế tự với con trai của người nữ tự chủ. Ấy vậy, hỡi anh em, chúng ta chẳng phải là con cái của người nữ tôi mọi, bèn là con cái của người nữ tự chủ.” Galati 4:30-31
Con trai của Aga là Íchmaên không thể trở thành người kế nghiệp của Ápraham và cuối cùng đã bị đuổi ra khỏi gia đình Ápraham. Kinh Thánh làm chứng rõ ràng rằng ngay cả vào thời đại sau rốt, “con trai của người nữ tôi mọi” sẽ không thể được hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Vào thời đại mà Thánh Linh và Vợ Mới xuất hiện, nếu chủ trương rằng chỉ có Đức Chúa Trời Cha và phủ nhận Đức Chúa Trời Mẹ thì chúng ta sẽ giống như con trai của người nữ tôi mọi Aga và không thể được hưởng cơ nghiệp Nước Thiên Đàng. Mong rằng các quý vị sẽ tiếp nhận Đức Chúa Trời Mẹ và thực sự trở thành “con cái của lời hứa giống như Ysác”, nhờ đó đạt đến Nước Thiên Đàng vĩnh cửu.