Đây là lời đáp mang tính Kinh Thánh cho câu hỏi của những người lần đầu nghe về Đức Chúa Trời Mẹ.
“Êlôhim” là danh từ số nhiều trong tiếng Hêbơrơ, có nghĩa là “Các Đức Chúa Trời”, chỉ ra Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ. Trong Kinh Thánh Cựu Ước bản gốc được ghi chép bằng tiếng Hêbơrơ, hầu hết các biểu hiện để chỉ về Đức Chúa Trời đều là “Êlôhim”. Thay vì danh từ số ít là “Êl” và “Êlôah” có nghĩa là “Đức Chúa Trời, Thần (神)”, “Êlôhim” là hình thức số nhiều của “Êlôah” đã được sử dụng khoảng 2500 lần. Điều này có nghĩa rằng Đức Chúa Trời không chỉ tồn tại một Đấng là Đức Chúa Trời Cha. Thế nên Đức Chúa Trời cũng tự xưng Ngài bằng danh từ số nhiều là “Chúng Ta” (Sáng 1:26).
Đức Chúa Trời Mẹ là Đấng Sáng Tạo đã cùng với Đức Chúa Trời Cha dựng nên muôn vật, và cũng là Đức Chúa Trời, Đấng Cứu Chúa của nhân loại. Trong sách Sáng Thế Ký, Đức Chúa Trời, Đấng dựng nên muôn vật trong 6 ngày đã được biểu hiện bằng số nhiều là “Chúng Ta” (Sáng 1:26). Bên cạnh đó, khi Đức Chúa Trời cho dừng việc xây dựng tháp Babên hoặc khi sai các đấng tiên tri đi, Ngài đã phán “Chúng Ta hãy xuống” và “Ai sẽ đi cho Chúng Ta?” (Sáng 11:7-8, Êsai 6:8). Đây là bằng chứng cho thấy “Chúng Ta”, tức là Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ, đã cùng nhau tiến hành công cuộc sáng tạo, và bây giờ Ngài vẫn đang cùng nhau tiến hành công cuộc cứu chuộc.
Kinh Thánh làm chứng rằng không chỉ có Cha phần linh hồn ở trên trời mà có cả Mẹ phần linh hồn (Mat 6:9, Gal 4:26). Tức là Đức Chúa Trời Mẹ có tồn tại. Sự thật này cũng được bày tỏ rõ ràng trong sách Sáng Thế Ký được ghi chép bởi Môise. Khi Đức Chúa Trời dựng nên loài người, Ngài đã dựng nên người nam cùng người nữ như hình và theo tượng của Đức Chúa Trời (Sáng 1:26-27). Nói cách khác, Đức Chúa Trời mang hình Nam và Đức Chúa Trời mang hình Nữ đã dựng nên loài người. Theo đó, Kinh Thánh làm chứng rằng không chỉ có Đức Chúa Trời Cha mà còn có cả Đức Chúa Trời Mẹ.
Hội Thánh tin vào Đức Chúa Trời Mẹ là Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới (gọi tắt là Hội Thánh của Ðức Chúa Trời). Dù có vô số hội thánh trên thế gian, nhưng không có hội thánh nào tin vào Đức Chúa Trời Mẹ, Đấng đã dựng nên loài người và ban nước sự sống, ngoài Hội Thánh của Đức Chúa Trời (Sáng 1:26-27, Khải 22:17). Hội Thánh của Đức Chúa Trời được thành lập bởi Đấng An Xang Hồng vào năm 1964, tin vào Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Bên cạnh đó, Hội Thánh đang giữ gìn y nguyên lẽ thật giao ước mới như ngày Sabát, Lễ Vượt Qua, v.v… mà Đức Chúa Jêsus Christ đã lập ra vào 2000 năm trước.
Trong Kinh Thánh không chỉ có Đức Chúa Trời Cha mà cũng có cả Đức Chúa Trời Mẹ nữa. Khi dựng nên loài người, Đức Chúa Trời đã phán rằng “Chúng Ta hãy làm nên loài người như hình Ta và theo tượng Ta” (Sáng 1:26). Nếu Đức Chúa Trời chỉ là Đức Chúa Trời Cha thì Ngài đã phán “Ta hãy làm nên loài người như hình Ta và theo tượng Ta”. Nhưng vì Ngài đã phán “Chúng Ta”, nên có thể thấy rõ ràng rằng không phải chỉ có Đức Chúa Trời Cha.
Vì sao Ngài đã phán “Chúng Ta”? Khi xem lời tiếp theo thì Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người như hình Ðức Chúa Trời, rồi người nam cùng người nữ được dựng nên (Sáng 1:27). Điều này có nghĩa rằng Đức Chúa Trời tồn tại cả hình Nam và hình Nữ. Nói cách khác, Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ đã cùng nhau dựng nên loài người.
Gọi Đức Chúa Trời là “Cha” mang ý nghĩa rằng chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời, đồng thời ngụ ý về sự tồn tại của Đức Chúa Trời Mẹ.
Về chữ nghĩa, cha có nghĩa là người nam có con cái. Bởi vậy, sự thật rằng Đức Chúa Trời được gọi là Cha mang ý nghĩa rằng Đức Chúa Trời có con cái của Ngài. Trên thực tế, Kinh Thánh cho biết chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời (Mat 6:9, II Cô 6:17-18). Nhưng một mình người cha có thể sanh con được không? Nếu không có người mẹ thì không thể có con cái, cũng không thể có sự tồn tại của người cha có con cái. Xưng hô “cha” chỉ có thể được thiết lập khi có “mẹ”. Theo đó, xưng hô Đức Chúa Trời Cha cho chúng ta biết về sự tồn tại của các con cái của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời Mẹ. Kinh Thánh làm chứng rằng Mẹ chúng ta ở trên trời (Gal 4:6). Giống như trong gia đình phần xác không chỉ có cha và các con cái mà còn có mẹ, gia đình phần linh hồn cũng không chỉ có Đức Chúa Trời Cha và các con cái của Đức Chúa Trời mà còn có Đức Chúa Trời Mẹ nữa.
Vợ Mới của Đức Chúa Jêsus xuất hiện trong sách Khải Huyền chỉ ra Đức Chúa Trời Mẹ. Kinh Thánh tiên tri rằng đến kỳ thì Vợ Mới sẽ xuất hiện, ấy là khi lễ cưới của Chiên Con tới (Khải 19:7-8). Trong tiệc cưới của Chiên Con có chàng rể, cô dâu và các khách mời (những người được mời). Chiên Con, là chàng rể, chỉ ra Đức Chúa Jêsus (Gi 1:29), và Chiên Con mà xuất hiện cùng với cô dâu (Vợ Mới) chỉ ra Đức Chúa Jêsus Tái Lâm. Vợ Mới chỉ ra Đức Chúa Trời Mẹ, được biểu tượng bởi Giêrusalem trên trời (Khải 21:9-10, Gal 4:26). Những người được mời chỉ ra các thánh đồ sẽ nhận lãnh phước lành sự sống đời đời (Khải 19:9). Vào thời đại Đức Thánh Linh ngày nay, Đức Chúa Trời Cha là Đức Chúa Jêsus Tái Lâm và Đức Chúa Trời Mẹ là Vợ Mới đang mời các thánh đồ đến tiệc cưới Nước Thiên Ðàng (Khải 22:17).
Ngày nay, sở dĩ nhiều người không tin Đức Chúa Trời Mẹ mà Kinh Thánh làm chứng là vì họ không giữ giao ước mới. Đức Chúa Trời phán rằng Ngài sẽ trở thành Đức Chúa Trời của những người ghi khắc luật pháp giao ước mới vào lòng cùng vâng giữ theo, và chỉ họ mới có thể trở thành người dân của Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn (Giê 31:31-34). Tuy nhiên, nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay không giữ Lễ Vượt Qua giao ước mới được lập nên bởi Đức Chúa Jêsus (Lu 22:15, 19-20). Do không để giao ước mới vào lòng nên bây giờ họ vẫn không thể nhận biết Đức Chúa Trời Mẹ.