Sự đau đớn của mẹ sinh ra con cái

4046Views
Nội dung

Sự đau đớn là một phần cảm giác không thể đo lường được theo định lượng. Vì vậy, dù là khái niệm mang tính tương đối không thể tính toán bằng chỉ số tuyệt đối, nhưng nếu quy đổi sự đau đớn thành chỉ số thì được xếp loại là đau rát (đau do bị thiêu đốt), tiếp theo là đau do bị cắt cụt tay chân và sau đó là đau do sinh con. Vì việc đau rát do bị thiêu đốt và cắt cụt tay chân không phải là phổ biến, nên có thể nói sinh con là nỗi đau lớn nhất mà con người phải trải qua một cách tự nhiên.

Tuy nhiên, nỗi đau khi sinh con không phải là khó khăn duy nhất mà người mẹ phải trải qua cho đến khi gặp được con mình. Cơn đau bắt đầu khi trứng thụ tinh được cấy vào thành tử cung. Khi tinh trùng và trứng gặp nhau, phôi thai được thụ tinh sẽ bám vào thành tử cung, cho phép thai nhi nhận ôxy và chất dinh dưỡng từ người mẹ. Đó là trạng thái thụ thai. Kể từ thời điểm này, các hệ thống trong cơ thể người mẹ bị đặt vào trạng thái căng thẳng cực độ khiến mọi hoạt động bên trong cơ thể đều xoay quanh thai nhi.

Hệ thống miễn dịch của con người đóng vai trò như một đội quân bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi các mối đe dọa bên trong hoặc bên ngoài. Khi các chất bên ngoài xâm nhập vào cơ thể và bám vào các tế bào, tế bào sẽ tiết ra chất gây viêm. Chất này có tác dụng như âm thanh báo động. Các tế bào miễn dịch trong cơ thể nghe thấy tiếng chuông báo động sẽ chạy đến và tấn công các chất bên ngoài. Chứng viêm và sốt cũng là do hệ thống miễn dịch đang hoạt động tốt. Chức năng miễn dịch là lý do những người khỏe mạnh có thể ngăn ngừa sự lây nhiễm của vi khuẩn hoặc vi rút.

Tuy nhiên, vì hệ thống miễn dịch này mà bào thai trong cơ thể mẹ không tránh khỏi việc bị coi như vật thể lạ có gen khác với người mẹ. Song, hệ miễn dịch của mẹ không tấn công thai nhi. Theo báo cáo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu thuộc đại học New York, Mỹ, kết quả quan sát tế bào nội mạc tử cung cho thấy tế bào nội mạc tử cung không tiết ra chất gây viêm ngay cả khi thai nhi đã được thụ thai. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các gen đóng vai trò báo động trong tế bào nội mạc tử cung đã được biến đổi khác với trước khi mang thai. Thai nhi đã làm thay đổi gen của các tế bào nội mạc tử cung và tắt hoàn toàn hệ thống báo động miễn dịch của người mẹ.

Để tiếp nhận chất lạ bên ngoài gọi là thai nhi, hệ thống miễn dịch của người mẹ vô cùng suy yếu, thậm chí mất đi một phần khả năng chống lại các chất bên ngoài khác. Vì vậy, phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch yếu và dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, ngay cả khi bị bệnh thì cũng khó có thể uống thuốc. Lý do là vì dùng thuốc trong khi mang thai có thể gây ra dị tật chết người cho thai nhi. Người mẹ phải chịu những rủi ro rất lớn vì thai nhi.

Sự thay đổi mạnh mẽ nhất khi mang thai chính là sự thay đổi hormone. Để duy trì thai kỳ, hormone nữ estrogen và progesterone được duy trì ở mức rất cao. Trong khi đó, tuyến yên kiểm soát hormone cũng phát triển và thể tích tuyến giáp cũng tăng tới 30%. Khi bước vào giai đoạn nửa cuối thai kỳ, sự mất cân bằng nội tiết tố gây ngứa và xuất hiện các đốm đỏ khắp cơ thể, đồng thời các vấn đề về da như mụn trứng cá hoặc mẩn ngứa cũng có thể xảy ra. Sau khi sinh con, sự tiết hormone nữ giảm đi nhanh chóng, gây ảnh hưởng đến cảm xúc của người mẹ và có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh.

Trong số các hormone thai kỳ, hormone HCG1 được tiết ra từ nhau thai là nguyên nhân chính gây buồn nôn và chứng thai nghén. Phụ nữ trong giai đoạn đầu của thai kỳ sẽ chán ăn do ốm nghén, trường hợp nặng thì hoạt động của họ bị cản trở. Do ốm nghén, lượng thức ăn ăn vào không đều, độ ẩm bị thiếu hụt, hàm lượng estrogen tăng cao làm giảm nhu động ruột nên dễ bị táo bón hoặc mắc các bệnh về hậu môn.

1. HCG (human chorionic gonadotropin): hormone kích thích tuyến sinh dục màng đệm ở người. Được tạo ra ở nhau thai trong thời kỳ mang thai. Giúp ngăn ngừa sự thoái hóa của hoàng thể và giữ cho hormone hoàng thể được tiết ra để thai kỳ có thể tiếp tục.

Người xưa có câu nói rằng khi sinh con thì các đốt xương tăng lên, câu nói đó không phải là vô căn cứ. Khi mang thai, hormone relaxin làm giãn các khớp và dây chằng trong cơ thể tăng gấp 10 lần so với bình thường. Relaxin được tiết ra từ nhau thai trong thời kỳ mang thai, đóng vai trò nới lỏng các khớp nối của liên kết xương mu giúp ích cho việc sanh nở. Tuy nhiên, vấn đề là các khớp xương khác cũng bị ảnh hưởng bởi hormone này. Sau khi sinh con, relaxin giảm xuống nhanh chóng, nhưng có thể xảy ra chứng đau và gãy xương ngay cả với những sự va chạm nhỏ, vì các khớp của toàn bộ cơ thể đang trong trạng thái lỏng lẻo. Thông thường phải mất 3 tháng sau khi sinh thì các khớp bị kéo căng do ảnh hưởng của hormone mới trở lại bình thường. Bởi vậy, người mẹ có thể bị đau lưng hoặc bất thường về khớp.

Dù không nhìn thấy bằng mắt nhưng những thay đổi nghiêm trọng nhất lại xảy ra ở tim. Lượng máu trong cơ thể người mẹ tăng khoảng 40 – 45% ngay trước khi sinh. Đặc biệt, do huyết tương tăng cao nên các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy bị pha loãng, gây ra các triệu chứng thiếu máu. Ngoài ra, khi lượng máu tăng thì nhịp tim cũng nhanh hơn và tim cũng phát triển lớn hơn. Lượng máu tăng lên khi mang thai giảm hơn 30% trong vòng 2 tuần sau khi sinh. Vì phải trải qua những thay đổi nhanh chóng trong khoảng thời gian ngắn nên tim cũng có thể bị quá sức.

Cân nặng trong thời kỳ mang thai thường tăng khoảng 10 – 15kg. Tuy nhiên, vì phải chịu cả trọng lực tác động lên cân nặng, nên gánh nặng mà người mẹ phải chịu cũng tăng gấp đôi. Ở tư thế đứng để chống đỡ trọng lượng của thai nhi, vị trí đầu dịch chuyển nhiều hơn về phía sau và cột sống bị cong hơn. Mang thai khiến cân nặng tăng lên đột ngột và tạo gánh nặng lên phần lưng dưới, hình thành tư thế ưỡn bụng vì phải đẩy bụng về phía trước khi bước đi. Đây là lý do hầu hết phụ nữ mang thai đều kêu đau lưng và có thể phát sinh chứng cong cột sống. Đặc biệt, vì vùng xương chậu bị nghiêng và bị đè bởi sức nặng của thai nhi, nên thường đi kèm với chứng đau vùng chậu khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Khoảng 70% phụ nữ mang thai than phiền về tình trạng đau lưng và đau vùng chậu vì gánh nặng ở thắt lưng. Trong một số trường hợp, khoảng 20% tình trạng đau kéo dài đến 3 năm sau khi sinh.

Do xương bị nới lỏng bởi tư thế, cân nặng và nội tiết tố gây nhiều gánh nặng cho thắt lưng, đồng thời xuất hiệu triệu chứng tê tay chân. Khi độ cong cột sống trở nên nghiêm trọng hơn trước, các dây thần kinh xuất hiện ở cột sống kết nối với bàn chân và cẳng chân bị kéo dài mãn tính gây tê bàn chân, còn các cơ đi qua dây chằng bị dày lên bởi chứng phù nề, gây áp lực lên các dây thần kinh trong lòng bàn tay gây tê tay. Triệu chứng chuột rút hoặc căng cứng ở chân cũng xảy ra thường xuyên, vì các khớp xương chậu bị kéo giãn do hormone, chèn ép vào các dây thần kinh xương chậu.

Khi bước vào nửa sau của thai kỳ, người mẹ dần cảm thấy tức ngực hoặc khó thở. Việc tiêu hóa cũng không tốt, dịch tiêu hóa trào lên, thậm chí nằm thẳng hoặc hít thở thôi cũng cảm thấy khó khăn. Điều này là do thai nhi lớn lên và gây áp lực lên các cơ quan nội tạng. Kết quả là vị trí của dạ dày, gan, phổi, tim bị đẩy lên cao so với vị trí ban đầu. Bàng quang bị đè xuống nên phải đi vệ sinh thường xuyên hơn, dạ dày bị nén lại nên phải ăn thành nhiều bữa nhỏ và thường xuyên. Khi dạ dày đầy lên, ruột già và đại tràng cũng bị đẩy lên gần ngực. Tử cung có kích thước bằng quả trứng trước khi mang thai sẽ mở rộng gấp 500 lần vào cuối thai kỳ.

Dù người mẹ trải qua những thay đổi lớn như vậy nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận nỗi đau để sinh ra sự sống. Điều kỳ diệu hơn là sự đau đớn thể này của người mẹ lại dẫn đến sự ra đời của một sự sống mới. Tác dụng của loại hormone gọi là oxytocin khiến tử cung co bóp để chuẩn bị cho sự ra đời của em bé. Người mẹ sẽ thấy đau khi oxytocin được tiết ra khiến tử cung co bóp, và khi có phản hồi tích cực2, cơn đau này càng kích hoạt sự bài tiết của oxytocin. Rốt cuộc, sự đau đớn của mẹ mới là điều khiến em bé được ra đời.

2. Phản hồi tích cực (positive feedback): phản hồi đề cập đến nguyên lý điều chỉnh tự động, trong đó kết quả xuất hiện bởi một nguyên nhân sẽ gây ra tác động lên nguyên nhân đó khiến kết quả tăng hoặc giảm. So với phản hồi tiêu cực làm giảm kết quả, phản hồi tích cực làm tăng kết quả là rất hiếm. Ví dụ điển hình là các phản ứng bên trong cơ thể sống xuất hiện do sự tiết oxytocin (chuyển dạ, co thắt tử cung) là điển hình theo hướng làm tăng thêm kích thích ban đầu (tiết oxytocin).

Trong mọi quá trình từ khi mang thai cho đến khi sinh con, hệ thống trong cơ thể người mẹ đều xoay quanh thai nhi chứ không phải người mẹ. Một hành động bao dung mà nhìn chung là không thể hiểu được đã được lập trình sẵn trong cơ thể người mẹ. Toàn bộ các chất dinh dưỡng được nhường cho thai nhi, còn người mẹ thì chịu đựng sự bất tiện, đau đớn. Thậm chí sau khi ôm ấp những điều này suốt 10 tháng, bởi nỗi đau đớn còn lớn hơn thế, người mẹ vẫn sinh ra và ôm con cái vào lòng. Tình yêu thương tối cao được lập trình trong cơ thể mỗi người mẹ này đang dạy chúng ta về sự quan phòng nào? Hôm nay cũng vậy, sự sống vẫn đang được sinh ra trong sự đau đớn của Mẹ.